Nhà mạng 'trói chân' sim VIP, không cho chuyển mạng giữ số

Anh Chính (Hai Bà Trưng, Hà Nội) dùng số điện thoại 056xxxx789 được 12 tháng. Khi đặt mua số qua kênh trực tuyến của nhà mạng, anh được quảng cáo sau một năm dùng có thể chuyển sang loại gói cước siêu rẻ của nhà mạng hoặc chuyển mạng giữ số. 

Tuy nhiên, khi gửi yêu cầu chuyển mạng thì anh không được chấp thuận. Nhiều lần gọi điện lên tổng đài cũng như đến phòng giao dịch, nhân viên nhà mạng không đưa ra lý do thuyết phục. Nhưng trong một lần anh nói gay gắt với nhân viên nhà mạng thì chị này cho biết hiện chính sách chung của đơn vị là không cho chuyển mạng với những số đẹp như đuôi tứ quý, ngũ quý, lục quý,  lộc phát, tam hoa...  Do đó, nếu anh tiếp tục gây sức ép nhà mạng có thể thu hồi số.

Chị Hoa (Cầu Giấy), chủ thuê bao đang dùng số điện thoại đuôi tam hoa 555 khi đăng ký chuyển mạng giữ số thì bị từ chối 10 lần và cũng không rõ lý do. Gần đây, sau gần hai tháng liên tục nhắn tin, gọi điện lên tổng đài yêu cầu giải đáp thì chủ thuê bao này nhận được tin nhắn thông báo chị chưa cập nhật thông tin cá nhân đầy đủ theo Nghị định 49. 

"Họ nhắn tin yêu cầu tôi phải đến điểm giao dịch cập nhật thông tin thuê bao, nếu không, sau ngày 22/4 sim của tôi sẽ bị thu hồi về kho số. Tuy nhiên, khi tôi ra cửa hàng thì nhân viên nhà mạng lại yêu cầu tôi ký vào một cam kết về thời gian sử dụng đối với sim số đẹp. Chị này cũng nói nếu tôi không ký thì số điện thoại cũng vẫn bị thu hồi nếu yêu cầu chuyển mạng", chị Hoa kể lại. 

Theo tìm hiểu của VnExpress, hiện nhà mạng nhỏ yêu cầu nhân viên không cho phép chuyển mạng với các trường hợp sim VIP. Khi khách hàng khiếu nại họ cũng hầu như không giải quyết, không phản hồi mà chỉ ghi nhận ý kiến. 

Tuy nhiên, ở một số nhà mạng lớn, tình trạng làm khó các thuê bao sim số đẹp cũng xảy ra. Anh Quỳnh (Hải Dương) sở hữu một số thuê bao tứ quý cũng miệt mài suốt 3 tháng với gần 800 phút gọi cho tổng đài mới có thể chuyển mạng thành công. Đầu tiên, khi mới gửi yêu cầu chuyển mạng anh bị từ chối với lý do đang dùng một gói cước có chính sách cam kết trong 24 tháng. Tuy nhiên, sau đó mỗi ngày anh đều gọi đến tổng đài để yêu cầu lý giải về cam kết này được thể hiện qua văn bản, dấu tích nào. 

Trong suốt gần 3 tháng, nhiều lần nhân viên của nhà mạng gọi điện trao đổi, ghi nhận ý kiến anh về những điểm yếu của họ, đồng thời mời anh ở lại mạng và tặng một số gói khuyến mại tài khoản thoại, tin nhắn, dung lượng dữ liệu. 

Chia sẻ về tình trạng này, đại diện một nhà mạng cho rằng, với những doanh nghiệp thị phần nhỏ, hạ tầng kém, việc khách hàng mua sim và sử dụng dịch vụ của họ phần lớn là bởi kho số đẹp. Nếu họ để thuê bao chuyển mạng cũng đồng nghĩa mất những số thuê bao đó và lợi thế cạnh tranh hầu như không còn. Tuy nhiên, theo ông, đó là quy luật thị trường, khó áp đặt bằng cách ép buộc khách hàng ký cam kết, thậm chí gây phản tác dụng. 

Vị này cũng cho rằng, những khách hàng cần níu giữ không phải là người sở hữu sim số đẹp mà là chủ thuê bao có tổng cước sử dụng hàng tháng lớn.   

Số liệu vừa cập nhật của Cục Viễn thông cho thấy Vietnamobile là nhà mạng bị khiếu nại nhiều nhất kể từ khi chuyển mạng giữ số khi mới chỉ xử lý 2% khiếu nại. Các nhà mạng khác, tỷ lệ xử lý dao động từ 63% đến 100%. 

Từ ngày 1/5, Bộ thông tin & Truyền thông sẽ ban bố chỉ tiêu kỹ thuật về chuyển mạng giữ số là 70%. Theo đó, nhà mạng nào không đủ 70% thuê bao chuyển mạng thành công sẽ không đạt chỉ tiêu kỹ thuật và cơ quan quản lý sẽ có biện pháp xử lý bằng việc thanh tra doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, từ tháng 8/2019, Cục Viễn thông sẽ chuyển mạng giữ số 100% bằng hình thức tự động thay vì cách làm thủ công bằng tay như hiện nay. Ngoài ra, khi người dân đăng ký chuyển mạng gặp trục trặc với nhà mạng cũ, nhà mạng mới sẽ được phép nhảy vào can thiệp.